.


nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương - nơi hội tụ văn chương

Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Tản văn của Huỳnh Kim Bửu

Ngày xưa, nhà tranh vách đất


11.10.2007 08:00 - 4849
Xem hình
Một trong số rất ít ngôi nhà tranh vách đất còn sót lại ở vùng nông thôn. Ảnh: Văn Cảnh
Bây giờ ở nhiều vùng nông thôn, nhà tranh đã vắng bóng thực rồi. Sau này mấy ai còn được biết cái nhà tranh vách đất là gì.Đó là cái nhà phổ thông của nông thôn hồi xưa. Nhà đủ che nắng mưa, cốt sao để người ta có được một mái gia đình.
 Nhà tranh vách đất được cất theo nhiều quy mô khác nhau: Nhà cặp là nhà ba gian hai chái (hoặc năm gian hai chái), có cột gỗ kèo tre làm khung chống đỡ, mái tranh dày. Nhà cặp có hè rộng, trước hè có hàng cột gỗ tròn. Nội thất nhà cặp có nền đất, trần bằng sìa tre, ở giữa đặt bàn thờ gia tiên, chái tây kê giường hoặc bộ ván (phản). Túp lều tranh là nhà ba gian hai chái, cất hoàn toàn bằng tranh tre. Nhiều nhà dừng vách cũng bằng tấm tranh, không làm vách đất. Bên trong túp lều tranh có giường thờ lạnh lẽo khói hương, giường người nhà nằm, đều làm bằng tre (ở đây không đề cập nhà lá mái, mặc dù đa số nhà lá mái cũng lợp tranh. Bởi nhà lá mái là nhà có móng xây đá ong, nền lát gạch Bát Tràng, có bộ khung nhà làm bằng gỗ quý được chạm trổ, có nội thất sang trọng gồm những đồ quý giá. Nhà lá mái là nhà của người giàu ở trong làng).Nhà tranh vách đất cũng cần ngăn nắp. Toàn bộ ngôi nhà cặp gồm có nhà trên, nhà dưới, nhà buồng, nhà bếp... Nhà trên có phần kỹ lưỡng hơn hết: Cửa vào nhà trên trổ ở giữa vách mặt tiền, hai cửa sổ ở hai bên, chái tây nhà còn có thêm cửa sổ, nhà trên có cửa thông với nhà dưới. Cũng có nhiều nhà trổ cửa nhà trên lệch bên trái nhà, tiếp theo là hàng phên giại (bằng nan tre đan) thay bức vách mặt tiền, không có cửa sổ. Khi nhà có đám tiệc thì mở phên giại cho được rộng rãi. Nhà dưới, nhà buồng, nhà bếp thường là những hiên lai từ nhà trên. Nhà tranh vách đất thường được cất thấp để phòng tránh gió bão; giọt tranh trước nhà thấp đến mức người bước vào nhà nếu quên cúi xuống là bị đụng đầu.




Nguyên, vật liệu làm nhà tranh vách đất chủ yếu chủ nhà tự túc. Cây cau, cây xoan trong vườn nhà thân thẳng chặt làm cột nhà; cây xoài, cây mít thân to hạ xuống, cưa xẻ lấy gỗ làm đà, làm kèo, ra ván làm cửa, làm phản... Cây tre ngoài bờ rào cung cấp nguồn nguyên liệu chính cho ngôi nhà, nhiều ngôi nhà cất toàn bằng tre, không cần đến gỗ. Rơm rạ thì nhà nông có sẵn, chờ giũ rạ, đánh tranh. Cũng có nhà lợp mái bằng tấm tranh săng, tấm tàu dừa. Vùng Tam Quan (Hoài Nhơn) là xứ dừa, cất nhà lợp lá dừa. Cây tre làm nhà thường được ngâm bùn 5-7 tháng, gọi là tre ngâm, không còn sợ mối mọt.




Ông thợ cất nhà tranh vách đất được gọi là ông thợ mái. Thợ mái làm phần tranh tre: khoét kèo, gác đòn tay, thả rui mè, dựng mầm trỉ, lợp mái, cắt đuôi tranh, trát vách... Ngoài thợ mái, chủ nhà còn phải kêu thợ đất để xe đất đắp nền;  thợ mộc làm phần gỗ: dựng cột, thả đà, đóng cửa, đóng giường... Chủ nhà có tay nghề thì cùng làm với thợ. Kêu thợ cất nhà thường theo kinh nghiệm dân gian: “Chữa bệnh rước thầy già, cất nhà kêu thợ trẻ”. Có những thợ mộc gõ dùi đục “cắc cụp cắc” tính ngày công (ý nói năng suất kém) bị chủ nhà không vừa ý. Cất túp lều tranh mà chủ nhà biết chẻ sợi mây, sợi lạt, biết đánh nên tấm tranh, cầm được cái đục khoét lỗ con sẻ thì tự làm lấy, không cần phải kêu thợ mái.




Thợ khéo tay nghề cất được cái nhà đẹp. Nhìn từ ngoài, nhà tranh vách đất được cho đẹp là nhà có hè đắp ngay thẳng, vách trát phẳng lì không nứt nẻ, mái tranh không lởm chởm, giọt tranh dày mà cắt bằng, vút hình mũi đao ở các góc; bên trong nhà, cột kèo câu kết với nhau vững chắc, mặt bào, nét chỉ, lỗ đục láng, sắc, thẳng mực, khít khao. Vẻ đẹp của nhà còn nhờ ở bối cảnh. Những nhà có ngõ trước vườn sau, giàn bầu, luống cải trong sân, trưa có tiếng chim cu gáy trong khóm tre già, chiều có mái nhà khói tỏa… thì đậm hồn quê lắm, không đẹp sao được.




Nhà tranh vách đất mau “xuống cấp”, trải chừng 2-3 mùa mưa dầm thì lở hè, rã vách, dột mái… Cho nên chủ nhà phải siêng năng sửa chữa. Có vậy, mới có những nhà từ đường truyền đến 4-5 đời con cháu, mới có chuyện cái nhà “bách niên” để kể cho con cháu nghe mà biết bổn phận phải gìn giữ cái mái ấm gia đình. Túp lều tranh ít níu giữ tình cảm và bước chân người trong buổi ra đi.

 
Một trong số rất ít ngôi nhà tranh vách đất còn sót lại ở vùng nông thôn. Ảnh: Văn Cảnh





Chủ nhân những ngôi nhà tranh vách đất thường là những nông dân nghèo, những nông dân bậc trung. Hạng khá giả trong làng thường ở nhà gạch, nhà lá mái. Cũng có những nhà nho lỡ vận, quan thanh liêm về hưu, thậm chí “anh hùng khi vị ngộ”… ở nhà tranh vách đất. Trần Tế Xương đã từng than: “Hai mái trống tung đành chịu dột”, còn Nguyễn Công Trứ từng cười ra nước mắt: “Bóng nắng dọi trứng gà trên vách, thằng bé tri trô / Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó” (Hàn nho phong vị phú).




Bây giờ người xa xứ về thăm lại làng quê mình, nhìn thấy cảnh đổi thay, đâu cũng nhà ngói, chỗ kia chỗ nọ nhà đúc mái bằng, ắt lòng khôn xiết mừng vui. Thế nhưng, làm sao người ta không chạnh nhớ cái thuở ở nhà tranh vách đất, với những đêm gió bấc lạnh lùng nằm ngủ ổ rơm.







Không có nhận xét nào: